2 tháng xuất khẩu tăng gần 50%, ngành thép đã đã vượt qua cơn “bĩ cực”?
2 tháng đầu năm 2024, thép đứng trong top ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên, tăng tới 45,5% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu từ Tổng Cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu sắt thép đạt 1,5 tỷ USD. Kết quả này được đánh giá khả quan bởi xuất khẩu sắt thép các loại trong tháng 2/2024 giảm mạnh, thậm chí ở mức thấp nhất trong 3 tháng qua, ước đạt 950 nghìn tấn, với trị giá 678 triệu USD, giảm 18,1% về lượng và 17,6% về trị giá so với tháng trước nhưng tăng 19,3% về lượng và 12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Giá thép xuất khẩu trung bình trong tháng 2/2024 đạt 713 USD/tấn, tăng 0,6% so với tháng trước, nhưng giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân đạt 711 USD/tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá thép hôm nay ngày 28/2/2024: Thị trường trong nước tiếp tục đi ngang. Giá quặng sắt đã rơi xuống mức thấp nhất 4 tháng.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 2/2024 ước đạt 1,2 triệu tấn, với trị giá 892 triệu USD, giảm 19,4% về lượng và giảm 15,8% về trị giá so với tháng trước; tăng 43,1% về lượng và tăng 32,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2023 khá thăng trầm với ngành thép khi nhu cầu sụt giảm mạnh khiến sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Sự khởi sắc từ quý cuối cùng của năm trước đã tạo bước chạy đà cho ngành trong năm nay.
Theo dự báo mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam, tiêu thụ thép tại thị trường trong nước năm nay dự kiến sẽ tăng 6,4% so với năm 2023, đạt 21,6 triệu tấn. Trong đó, tăng trưởng tiêu thụ thép xây dựng có thể lên tới 8%.
Thép xây dựng dự kiến trở thành điểm sáng hồi phục của ngành thép trong bối cảnh 2 ngành chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu sử dụng là xây dựng dân dụng (chiếm 66% nhu cầu thép xây dựng) và đầu tư công (chiếm 14%) đang ghi nhận tín hiệu phục hồi tích cực kể từ cuối năm 2023. Sản lượng tiêu thụ trong 2 tháng cuối năm đã tăng 30% so với trung bình các tháng trước đó.
MBS Research nhận định, giá thép trong nước đã tạo đáy xong trong quý 3/2023 và hồi phục dần kể từ cuối năm 2023. Trong năm nay, giá thép xây dựng dự báo sẽ tăng 6%, đạt trung bình 15 triệu đồng/tấn.
Đáng chú ý, chênh lệch giá thép Việt Nam với giá thép Trung Quốc hiện chỉ còn ở mức 30 USD/tấn, thấp hơn mức trung bình 50 USD/tấn của 2 năm qua. Điều này sẽ giúp các sản phẩm thép tại Việt Nam không chịu áp lực cạnh tranh về giá từ thép Trung Quốc.
Trong trung hạn, khi thị trường bất động sản bước vào chu kỳ hồi phục trong năm 2025, giá thép xây dựng dự kiến tiếp tục tăng thêm 8%, đạt mức trung bình 16,4 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, giá nguyên vật liệu đầu vào chính của ngành thép như quặng sắt và than cốc dự kiến sẽ “hạ nhiệt” kể từ đầu quý 2/2024 sau khi tăng vọt trong những tháng cuối năm 2023. Hiện các tổ chức tài chính lớn đều dự báo nguồn cung quặng sắt và than cốc trên toàn cầu sẽ duy trì ổn định trong thời gian tới. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thép cải thiện biên lợi nhuận gộp sau giai đoạn 2022 - 2023 đầy khó khăn.
Hoàng Phong (Sưu Tầm)
Nguồn:https://fireant.vn/